HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2013-07-09 09:22:29

Cân bằng công việc và cuộc sống

Nguyen Dinh Phuc

Việc chia quỹ thời gian mỗi ngày ra làm ba - 8 giờ để lao động, 8 giờ để chăm sóc gia đình và theo đuổi các sở thích cá nhân, 8 giờ để nghỉ ngơi - đã trở thành thông lệ của cuộc sống. Sở dĩ thông lệ này được mọi người ủng hộ và tuân thủ trong một thời gian dài là vì nó hợp lý và giúp cân bằng các giá trị. Tuy vậy, đó cũng chỉ là thước đo thời gian mang tính tương đối nên có thể tạo ra những tác động tiêu cực khi bị áp dụng một cách rập khuôn cứng nhắc.

Trong xã hội ngày nay, quá sa đà vào công việc sẽ bị lên án là không biết biết gìn giữ gia đình, sức khỏe và cũng như không biết tận hưởng cuộc sống. Mọi người cho rằng chỉ cần làm việc đúng 8 giờ một ngày thì sẽ đạt được trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, cần phải biết công việc không dừng lại ở nghĩa vụ, mà còn là đam mê, là niềm tự hào của một cá nhân. Nó cũng chính là nguồn để tạo ra của cải vật chất, giúp đảm bảo chất lượng sống. Nếu một người không dành đủ thời gian cho công việc dẫn đến tình trạng dậm chân tại chỗ, không phát triển được, họ sẽ gặp rất nhiều áp lực. Ngược lại khi người ta có cảm giác thăng tiến, thành tựu trong công việc thì tinh thần cũng thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều. Chính vì thế, đừng nên quá máy móc về thời gian làm việc. Có những người dành thêm một vài giờ mỗi ngày để giải quyết hết công việc, hoặc dùng cuối tuần để nghĩ về những kế hoạch phát triển sự nghiệp, nhưng họ vẫn thu xếp được thời gian cho gia đình và sống hạnh phúc.

Câu trả lời cho bài toán cân bằng công việc - cuộc sống chính là sự chuyên nghiệp của mỗi cá nhân. Sự chuyên nghiệp này nên được xây dựng từ từ theo thời gian, bằng nỗ lực và đam mê của mỗi người. Khi đang còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp, hẳn nhiên là các phần việc được giao làm chúng ta thấy khó khăn và mất nhiều thời gian để giải quyết. Lúc này, không nên có tư tưởng hết giờ thì về, vì như vậy là rất thiếu tinh thần cầu tiến. Ngược lại, hãy dành thêm thời gian làm việc, cố gắng tìm ra các điểm hạn chế và cải thiện nó để trở nên chuyên nghiệp. Mọi người sẽ thấy như vậy là quá sức, không có khoảng riêng cho chính mình và cho gia đình. Nhưng khi đã đạt được sự chuyên nghiệp thì mọi việc sẽ được bù đắp, vì công việc sẽ trở nên vừa sức hơn, đủ để chúng ta giải quyết trong khoảng thời gian 8 giờ làm việc. Còn đối với những người chuyên nghiệp hơn nữa, họ có thể rút ngắn thời gian làm việc được lên còn 4-5 giờ mỗi ngày mà vẫn đảm bảo được chất lượng, hiệu quả làm việc. Lúc đó, họ sẽ có nhiều thời gian để dành cho gia đình, sở thích và những dự định, hoài bão khác của mình.

Một điểm quan trọng để cân bằng cuộc sống và đạt được thành công là cách chúng ta sắp xếp, sử dụng thời gian. Giống như một câu chuyện về những người Nhật sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Có một người thì quen với văn hóa Nhật, dành rất nhiều thời gian làm thêm ở công sở. Người lãnh đạo trực tiếp của anh sau một thời gian quan sát cho rằng anh không có năng lực và sử dụng giờ làm việc không hiệu quả. Người còn lại thì làm quen với cách làm việc phương Tây, luôn cố gắng tăng năng suất làm việc và tranh thủ ra về đúng giờ. Anh này thì lại được đánh giá cao mà vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Ví dụ trên cho thấy, hiệu suất của công việc không phải là ở giờ làm, mà là ở cách làm.

Công việc, gia đình, cùng với sở thích cá nhân, các mối quan hệ xã hội là những mảnh ghép làm nên cuộc sống. Người chưa đủ năng lực, chưa suy nghĩ thấu đáo sẽ cố cắt cho các mảnh ghép bằng nhau, tạo thành một tổng thể gượng ép trong một bức tranh rập khuôn sáo rỗng. Người có năng lực thì tìm cách ghép các mảnh sao cho khéo léo, uyển chuyển, làm cho bức tranh màu sắc, sinh động hơn. Cũng như vậy, mỗi người phải tìm ra cách riêng để cân bằng cuộc sống. Sẽ không có tiêu chuẩn nào cho ta biết cần dành bao nhiêu thời gian cho công việc, bao nhiêu thời gian cho gia đình và các đối tượng khác. Cái chúng ta có thể làm là nỗ lực trở nên chuyên nghiệp, có năng lực hơn để có được một cuộc sống hài hòa và có giá trị.