HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2013-04-04 15:15:36

Du học có đồng nghĩa với hiểu văn hóa Nhật hay không?

Nguyen Dinh Phuc

Văn hóa là một đặc trưng của một nhóm người giúp phân biệt họ với nhóm người khác. Có những đặc trưng bề mặt dễ nắm bắt nhưng cũng có những đặc trưng phải thực sự “đồng hóa” thì mới “đồng cảm” được. Có điều kiện du học sinh sống tại Nhật chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để gọi là hiểu văn hóa Nhật.

Khi được hỏi lợi thế tìm việc của bạn là gì, có rất nhiều bạn Du học sinh kể cả những bạn vừa học xong chưa 1 ngày đi làm đều rất tự tin khẳng định “hiểu suy nghĩ, cách làm và văn hóa người Nhật”. Đến như bản thân tôi và đội ngũ đều là những người có kinh nghiệm du học, giao tiếp và làm việc với người Nhật từ rất lâu vẫn luôn cảm thấy còn có gì đó để phải tìm hiểu, vẫn chưa thể tự tin khẳng định mình hiểu văn hóa Nhật. Vậy nên hiểu sự khẳng định của những bạn này ở đây như thế nào?

Khi tôi sang Nhật thời gian đầu là học sinh, bắt đầu làm quen với cuộc sống tại Nhật. Văn hóa Nhật là sự sạch sẽ êm đềm của cuộc sống, sự bận rộn trên tàu điện, ra đường không thấy bóng công an giao thông. Cảm nhận của tôi lúc đó là người Nhật rất tử tế nhưng hơi thụ động không chủ động bắt chuyện với người nước ngoài. Hơi sốc khi thấy cách ăn mặc của phụ nữ Nhật, càng sốc hơn khi thấy khá nhiều bạn nữ phì phèo thuốc lá. Tôi nghĩ bụng ông bà ta nói “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” chắc không còn đúng đối với phụ nữ Nhật thời nay nữa rồi.

Sau thời gian học ngoại ngữ, tôi bắt đầu quá trình du học trong trường Đại học. Như các bạn du học sinh khác, tôi học bằng tiếng Nhật, thi cử bằng tiếng Nhật, bạn học là người Nhật, bài tập nhóm thảo luận tất cả đều không có sự tồn tại của tiếng Việt. Trong nhận định của tôi lúc đó, sinh viên Nhật biếng học. Lên học đường ngoài vài bạn chịu khó, còn hầu hết vừa học vừa chơi và đi làm thêm, thậm chí chơi và đi làm thêm đôi khi lại được xem trọng hơn học. Lên giảng đường, gần nửa sinh viên Nhật ngủ gục do đi làm thiếu ngủ, do thức đêm chơi game, v.v…. Tôi nghĩ bụng, bọn sinh viên Nhật thế này thì làm sao mà xã hội Nhật khá được, Nhật còn được như ngày hôm nay là nhờ sự cố gắng của đàn anh đi trước còn từ bây giờ trở đi chắc chắn chỉ có đi xuống.

Cuối quá trình học, tôi phải viết luận văn tốt nghiệp đồng thời với quá trình bôn ba tìm việc. Khi này, từ chỗ gà gật trong giảng đường sinh viên Nhật bỗng trở nên khác hẳn. Họ tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, đi dự hội thảo, làm đơn xin việc (rất chi tiết so với đơn xin việc thường thấy ở Việt Nam) một cách cật lực. Họ cũng đầu tư rất nhiều vào luận văn tốt nghiệp. Sinh viên Nhật sẵn sàng đem chiếu gối vào phòng nghiên cứu, mỗi ngày đầu tư 20 giờ (chỉ ngủ 4 giờ) để hoàn thành luận văn. Tôi nhận ra ta hay nói người Việt chăm chỉ nhưng thực sự vẫn chưa sánh được bằng sự chăm chỉ của người Nhật. Ngoài ra, cũng trên cơ sở cày hết mình như vậy nên quá trình nghiên cứu của sinh viên Nhật thật sự là nghiên cứu cái mới, nó không như ta hay nghĩ Nhật chỉ giỏi sao chép.

Khi bắt đầu đi làm cho công ty Nhật, lập gia đình sinh con tại Nhật và sau này trở thành đối tác của nhiều công ty Nhật Bản có tầm vóc, tôi lại hiểu thêm một ít các khía cạnh khác của văn hóa Nhật Bản. Đó là văn hóa tôn ti trật tự kính trên nhường dưới, tâm lý tránh rủi ro, chủ động giữ mối quan hệ với đồng nghiệp, v.v… Tôi cũng hiểu được cách hệ thống giáo dục của Nhật làm thế nào để đào tạo con người Nhật, vì sao có sự đồng nhất về mặt con người của Nhật như thế. Tôi cũng hiểu là người phụ nữ Nhật khi đã vào gia đình, họ sẵn sàng đầu tư hết thời gian tâm trí vào việc xây dựng gia đình, lo cho chồng con, rõ ràng ông bà ta đánh giá cao phụ nữ Nhật là không sai.

Trải qua gần 10 năm làm việc với người Nhật, vào mỗi giai đoạn tôi lại hiểu thêm một ít về văn hóa Nhật. Đến dạo gần đây tôi mới nhận thấy tinh thần vì mọi người vì xã hội của người Nhật chính là tiền đề cho sự phát triển của họ. Lấy ví dụ dịch vụ chuyển phát cá nhân của Kuroneko Yamato. Cố Giám Đốc Ogura dám dẹp hẳn kinh doanh chuyển phát đường dài, chuyển hẳn sang chuyển phát cá nhân vốn là 1 dịch vụ mới hoàn toàn. Họ triển khai được dịch vụ chuyển phát toàn quốc là cơ sở để mọi người dân Nhật đều có thể tiêu thụ được những món hàng như nhau, nâng tầm mức sống của cả đất nước Nhật. Hoặc tôi cũng nhận ra việc ăn nhậu lê thê dăm ba quán đến tận khuya quán đuổi mới về cũng thể hiện sự hết lòng của những anh chàng làm kinh doanh Nhật Bản.

Tôi nghĩ việc hiểu một văn hóa nào đó cần rất nhiều điều kiện. Thứ nhất phải có độ “mở” cần thiết để sẵn sàng nắm bắt được sự khác biệt, phải thật sự trải nghiệm để thực sự hiểu và phải luôn tiếp tục trải nghiệm để hiểu thêm và hiểu sâu. Có thời gian du học tại Nhật là một lợi thế để bắt đầu tìm hiểu và học hỏi văn hóa Nhật. Nhưng phải nên xác định việc hiểu văn hóa Nhật thông qua thời gian trên học đường chỉ là 1 phần rất nhỏ thậm chí đôi khi lại có phần phiến diện. Cái quan trọng không phải là hiểu hay không hiểu, hiểu nhiều hay hiểu ít mà tinh thần sẵn sàng học hiểu lẫn nhau mới là cái thật sự cốt yếu.