HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2013-04-17 16:32:56

Học giỏi thôi chưa hẳn sẽ làm việc tốt

Nguyen Dinh Phuc

Du học sinh chắc chắn là thành phần ưu tú, hầu hết mọi người có thành tích học tập tốt, doanh nghiệp luôn dành mọi ưu ái, lót thảm đỏ mời gọi. Tuy nhiên không phải bạn nào cũng khai thác được lợi thế đó chưa kể nhiều bạn không đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, tụt lùi so với nhiều bạn ít cơ hội, có xuất phát điểm không thuận lợi bằng.

Bạn Lê Thị Học (tên có thay đổi), 12 năm liền học sinh giỏi. Cấp 3 học trường chuyên thành phố, học chuyên môn Anh văn, đậu kỳ thi du học tại Nhật. Với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, tiếng Anh, Nhật đều giao tiếp tốt, ai cũng thấy không có lý do gì để bạn này không là một người nhân viên ưu tú. Tuy nhiên thực tế công tác cho thấy bạn này nói trước quên sau. Khi mắc lỗi dù đã phân tích và hướng dẫn cách khắc phục lỗi mắc phải, bạn thể hiện sự cầu tiến, thật tình rút kinh nghiệm nhưng rồi đâu cũng hoàn đó, vẫn tiếp tục mắc cùng 1 lỗi một cách vô tội, hồn nhiên. Giao cho bạn một đề tài để tự nghiên cứu và báo cáo thì kết quả hầu hết là nghèo nàn vì vừa thiếu kiến thức do không thu thập tài liệu hồ sơ, vừa không có chính kiến, phát kiến cho đề tài được giao. Với những gì đã định hình cách làm, đầu vào và đầu ra cố định bạn làm rất tốt nhưng trong môi trường nhiều biến động cần sự linh hoạt bạn không thể hiện được mình.


Bạn Trần Văn Làm (tên có thay đổi), học sinh giỏi cấp 2, cấp 3. Thi đậu vào Đại học ngoại ngữ. Vốn yêu thích tiếng Nhật, bạn chủ động tham gia các câu lạc bộ tiếng Nhật để rèn luyện thêm sau giờ học chính quy. May mắn mỉm cười với bạn, bạn được chọn đi trao đổi văn hóa 1 năm ở Nhật nhờ đó tiếng Nhật được củng cố mặc dù vẫn còn một ít hạn chế. Được một doanh nghiệp dịch vụ có vốn đầu tư của Nhật tuyển, bạn bắt đầu từ những công việc soạn sửa hồ sơ cả ngày làm việc với máy vi tính. Xuất phát không phải là người khéo léo trong ăn nói, không những vậy mà còn rất bộp chộp hay mắc lỗi lặt vặt, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương khách hàng than phiền cấp trên khiển trách, bạn đã chững chạc, dần lấy được tín nhiệm của cấp trên. Bạn không còn phải chỉ bán mặt cho máy tính mà đã được phép giao tiếp với khách hàng. Bằng kinh nghiệm công việc cũng như sự tự tìm tòi học hiểu, bạn đã cùng cấp trên hoàn thành nhiều bài báo chuyên môn gởi đăng nhiều tạp chí kinh doanh có uy tín.


Hai ví dụ trên là những câu chuyện người thật việc thật của chính những đồng nghiệp của tôi. Thật đáng tiếc cho bạn Học và rất đáng hoan nghênh bạn Làm. Trong hai câu chuyện này, đâu là sự khác biệt cơ bản khiến phát sinh kết quả cuối cùng hoàn toàn khác như vậy? Có cách nào hạn chế những trường hợp đáng tiếc như bạn Học, tăng hơn nữa những bạn như bạn Làm ở đây không?


Có nhiều hướng nhìn nhận cái khác khiến phát sinh kết quả như trên tùy quan điểm cũng như độ sâu của nhận định. Để dễ hiểu dễ nắm bắt, tôi cho rằng sự khác biệt ở đây nằm ở tính Chủ Động. Chủ động biết mình cần gì, biết phải làm gì để đạt được nó. Người chủ động là người viết kịch bản cho cuộc đời mình, người không chủ động không tự viết mà là sự cóp nhặt gán gép những hình mẫu xung quanh. Khi bạn chủ động, bạn sống có trách nhiệm đối với chính mình, sẵn sàng học hỏi tiếp nhận ý kiến của người xung quanh, thông qua đó phát triển năng lực một cách bền vững. Sống thụ động bạn không tự quyết định được cuộc sống của mình, né tránh mọi việc, không thật sự mở lòng để học hỏi từ thực tế, năng lực bạn không được phát triển một cách liên tục và bền vững kết quả là bạn sẽ mãi không trở nên chuyên nghiệp được.


Bạn đọc bài viết này khẳng định bạn đã là người rất chủ động. Hy vọng qua bài chia sẻ bạn hiểu được kết quả học tập là cuộc chạy đua cự ly ngắn trên con đường tráng nhựa bằng phẳng có biển báo có tiếp nước, có người hướng dẫn. Còn đi làm là cuộc đua cự ly dài vô cùng tận không có điểm dừng trên con đường đất lắm lúc không có người đồng hành và hầu như không thể trông chờ vào huấn luyện viên. Chủ động tự xác định mục tiêu, chủ động hoàn thành, nâng cao năng lực bản thân một cách liên tục và bền vững chính là chìa khóa để bạn vừa học giỏi cũng vừa là một người thành công trong công việc.