SYMPOSIUM
Nguyễn Nhật Anh Thư
Nhận học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản và sang Nhật du học khi đang là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm 2001, tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Kinh tế Osaka. Sau đó làm việc cho một ngân hàng của Nhật tại Tokyo và TP.HCM đến năm 2004. Từ tháng 11/2004, làm việc tại Công ty Takako Việt Nam trên cương vị Phó tổng giám đốc.
TƯ VẤN ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP & BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN (Lần 7)

Time: 2014-05-17 09:00:00
Location: Phòng Hội nghị Tập đoàn tư vấn I-Glocal, Tầng 14, Tòa nhà Maritime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM


Làm thế nào để thành công luôn là một câu hỏi không ít người băn khoăn, đặc biệt tại một môi trường đặc thù như các doanh nghiệp Nhật. Nắm bắt được nhu cầu những nhân viên ở các doanh nghiệp Nhật muốn được giao lưu học hỏi các anh chị đã có kinh nghiệm trong ngành, HRnavi đã liên tục tổ chức những hội thảo bổ ích, là cơ hội để tất cả mọi người đều có thể chia sẻ dẫn đến thành công. Thứ bảy (17/05) vừa rồi, hội thảo “Bí quyết thành công tại các doanh nghiệp Nhật Bản – lần 7” đã tổ chức thành công tại công ty iGlocal Resource cùng diễn giả Nguyễn Nhật Anh Thư.
Nguyễn Đình Phúc
Tốt nghiệp Thạc Sĩ Trường Đại Học Kyoto (Nhật Bản). Sau 10 năm học tập và công tác tại Nhật, năm 2006 về Việt Nam công tác tại công ty tư vấn SCS (Việt Nam) Co., Ltd (tiền thân của I-GLOCAL) trên cương vị trưởng đại diện Chi Nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, điều hành công ty tư vấn tuyển dụng iGlocal Resource với thương hiệu HRnavi.

Làm thế nào để thành công luôn là một câu hỏi không ít người băn khoăn, đặc biệt tại một môi trường đặc thù như các doanh nghiệp Nhật. Nắm bắt được nhu cầu những nhân viên ở các doanh nghiệp Nhật muốn được giao lưu học hỏi các anh chị đã có kinh nghiệm trong ngành, HRnavi đã liên tục tổ chức những hội thảo bổ ích, là cơ hội để tất cả mọi người đều có thể chia sẻ dẫn đến thành công.

Thứ bảy (17/05) vừa rồi, hội thảo “Bí quyết thành công tại các doanh nghiệp Nhật Bản – lần 7” đã tổ chức thành công tại công ty iGlocal Resource cùng diễn giả Nguyễn Nhật Anh Thư.

Chị Thư nhận học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản và sang Nhật du học khi đang là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội và tốt nghiệp khoa Kinh tế Đại học Kinh tế Osaka năm 2001. Sau khi ra trường, chị tiếp tục gắn bó với chuyên ngành kinh tế của mình với vị trí tại một ngân hàng lớn của Nhật tại Tokyo và Hồ Chí Minh. Trở về Việt Nam sau hơn 2 năm làm việc ở xứ người, cơ hội đến với chị Thư bằng một buổi trò chuyện thú vị giữa chị và người sáng lập tập đoàn Takako cũng là Tổng Giám Đốc công ty Takako (Nhật Bản) lúc bấy giờ.

Là một người rất thẳng thắn, trước khi trò chuyện, chị Thư giới thiệu mình là phụ nữ, là người Việt Nam, lại chưa hề có kinh nghiệm gì về sản xuất. liệu có phù hợp với vị trí mà bác đang tuyển dụng hay không. Tuy nhiên, bác Tổng Giám Đốc vẫn sẵn sàng tạo cơ hội nói chuyện để hiểu chị nhiều hơn và đưa đến quyết định bổ nhiệm chị Anh Thư làm Phó Tổng Giám Đốc công ty Takako Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện bơm thủy lực cao áp dùng cho máy xây dựng, máy công nghiệp và cơ khí. Qua câu chuyện này, chị Thư cũng đưa ra quan điểm “Hãy mở lòng với những cơ hội đến với mình, nhưng khi đã lựa chọn, phải theo quyết định của mình mà không được hối tiếc”. Vì vậy, suốt 10 năm giữ vị trí Phó Tổng Giám Đốc công ty Takako Việt Nam, chị Thư luôn tâm niệm phải cố gắng để không làm mất niềm tin của bác Tổng Giám Đốc.

Chia sẻ về doanh nghiệp, chị Thư rất tự hào chỉ lên tấm ảnh chụp trước nhà máy sản xuất công ty Takako Việt Nam nói: “Bình thường chị cũng mặc đồng phục như tất cả các bạn công nhân này, nhưng hôm nay là cuối tuần nên chị mới có ngoại lệ thôi!” Gắn bó hơn 10 năm với công ty là rất nhiều kỉ niệm, nhân sự cũng không ít lần thay đổi luân chuyển, nhưng chị Thư luôn dành tâm huyết và lòng nhiệt tình cho tất cả hoạt động của doanh nghiệp. Với tiêu chí hướng đến nội địa hóa nhân sự, hiện này, công ty Takako Việt Nam có khoảng 1000 nhân viên đặt tại hai cơ sở sản xuất, nhưng chỉ có 3 người Nhật tham gia, còn lại đều là nhân công Việt Nam tự vận hành nhà máy.

Phần lớn thời gian trong buổi hội thảo của HRnavi, chị Thư đưa ra quan điểm và góc nhìn của mình về ba vấn đề chính để cùng thảo luận: “Thành công là gì?”, “Đặc điểm của các doanh nghiệp Nhật” và “Ba nguyên tắc vàng của tôi” với anh Phúc và các khách mời.

    1. Nói về thành công, chị trích dẫn câu nói nổi tiếng của P. W. Kinsela “Thành công là đạt được những gì mình muốn, nhưng hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được.” Để cân bằng được giữa hai nhu cầu này hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Ví dụ đơn giản như khi cuộc sống ổn định thì sẽ dễ hài lòng, dễ bị trì trệ. Tuy nhiên, cũng không nên vì thế mà phải xáo trộn mọi thứ lên. Cần phải có những bước tiến vững chắc để vừa giữ thế ổn định, vừa phát triển tốt hơn. Tùy theo thời điểm từng cuộc đời, mỗi người sẽ có những nhu cầu, mong muốn khác nhau. Bên cạnh đó, chị Thư cũng đưa ra một quan điểm khác về thành công từ diễn giả Trần Đăng Khoa: “Có hai loại thành công khác nhau. Thành công được công nhận bởi xã hội là thành công dựa trên những thành quả mà người khác có thể nhìn thấy. Thành công được công nhận bởi riêng mình là thành công dựa trên những nỗ lực mà chỉ có bản thân mình mới hiểu rõ hơn ai hết”.

  1. Đối với chia sẻ về đặc điểm của các doanh nghiệp khối Nhật, chị Thư đưa ra phép so sánh giữa các công ty Nhật và các công ty Âu Mỹ. Trước tiên, công ty Âu Mỹ có chủ nghĩa cá nhân và coi trọng tinh thần làm việc độc lập rất lớn trong khi công ty Nhật coi trong nỗ lực tập thể, nội dung công việc không chi tiết nhưng nhân viên phải tự giác trong công việc. Hơn nữa đối với doanh nghiệp Nhật, lỗi của một người không chỉ là lỗi của người đó mà còn là lỗi của lãnh đạo tập thể không đào tạo được nhân viên. Thứ hai, công ty Âu Mỹ thường có định hướng, tầm nhìn rõ ràng, trong khi công ty Nhật thường chỉ có mục tiêu chung. Thứ ba, ở các công ty Âu Mỹ nhân viên có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất kể như thế nào, miễn là đạt kết quả tốt; trong khi công ty Nhật rất coi trọng quá trình làm việc, thái độ làm việc dù kết quả có thể không cao. Thứ tư, tại các công ty Âu Mỹ, đổi việc là chuyện hết sức bình thường để phát triển ở những cấp độ khác nhau; còn công ty Nhật luôn đề cao sự cống hiến trung thành trong một thời gian dài.

     

  2. Vấn đề cuối cùng mà chị Thư đưa ra thảo luận là “Ba nguyên tắc vàng của tôi” trong phát triển sự nghiệp. Đầu tiên là nhận xét của người Nhật rằng người Việt Nam rất hay “Iwake” (ngụy biện) cho những hành động không đúng, không tốt của mình. Bản thân tự đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài thay vì tự nhìn lại mình. Ngược lại “Sunao” (thẳng thắn, trung thực) rất cần khi giao tiếp với người Nhật, phải biết nhìn nhận nguyên nhân từ cả bản thân và bên ngoài.

     

    Phép so sánh tiếp theo là “Chyuto Hanba” (dở dang, nửa vời) và “PDCA” (Plan-do-check-act). “Chyuto hanba” dùng để chỉ cách làm việc giữa chừng, thiếu dứt khoát, suy nghĩ nửa vời, không cố gắng đến khi đạt kết quả. Còn PDCA là công cụ bao gồm các bước hướng dẫn để hoàn thành công việc chắc chắn từ đầu đến cuối, nối liền các PDCA liên tục sẽ là cơ sở để công việc và bản thân luôn phát triển về phía trước.

     

    “Jikokeihatsu” (học, học nữa, học mãi) cũng rất được khuyến khích ở Nhật. Công nhân viên chức sau giờ làm nên đăng kí thêm những khóa học bên ngoài, tự đào tạo. Ngoài ra còn cần giúp đỡ những người cùng team với mình, hỗ trợ thêm những kĩ năng chưa hoàn chỉnh để họ cũng có thể tự phát triển tốt hơn.

Khép lại phần trình bày của mình, chị Thư cô đọng những chia sẻ bằng một thông điệp vô cùng ý nghĩa với các bạn đang băn khoăn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.  

Ý thức tạo hành động

Hành động tạo thói quen

Thói quen tạo nhân cách

Nhân cách tạo vận mệnh

[Emile Coue]

HRnavi cũng xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã đến tham gia và góp ý cho chuyên đề “Tư vấn định hướng nghề nghiệp & Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản (lần 7)”. Hy vọng rằng các anh chị và các bạn nắm bắt và vận dụng tốt những thông điệp của chị Thư và phát triển sự nghiệp của bản thân lên tầm cao mới.

 

Câu hỏi 1: Chị Thư có nói là chị Thư có phần may mắn, nhưng có lẽ không phải vậy mà do chị có một cảm nhận tốt và gây được thiện cảm với ông Chủ tịch?

Trả lời: Mình nghĩ đó là một sự may mắn. Sau này, khi hỏi lại ông ấy “Vì sao lúc đó ông quyết định nhận tôi cho vị trí Phó tổng Giám Đốc?” ông ấy có nói rằng đó hoàn toàn là nhờ sự tin tưởng. Khi gặp, trò chuyện và tiếp xúc thì mình tạo được một sự tiên tưởng nhất định nào đó đối với ông chủ tịch nên có lẽ nhờ vậy mà mình mới làm việc ở Takako đến nay. Rõ ràng ngoài khả năng tiếng Nhật và sự tin tưởng thì mình không có gì cả. Mình phải cố gắng phát huy những thế mạnh của mình, để người khác tin vào mình và chính sự tin tưởng đó là thành công.

Câu hỏi 2: Còn ngược lại, những nhân viên của chị có tin tưởng vào chị không?

Trả lời: Lúc mới về công ty thì mình rất khó khăn. Mình không được chia sẻ thông tin và cũng không được mọi người nhìn nhận tốt khi chẳng có kiến thức gì về kĩ thuật trong khi được đưa lên làm Phó Tổng Giám Đốc. Mình phải áp dụng một số cách làm ở Âu Mỹ để thu phục mọi người trong lúc vẫn cố gắng giữ nề nếp làm việc của Nhật. Bây giờ thì đã ổn hơn rất nhiều.

Câu hỏi 3: Chị khuyến khích nhân viên trong công ty làm lâu năm hay khuyến khích có sự chuyển đổi?

Trả lời: Mình khuyến khích văn hóa của doanh nghiệp Nhật, nghĩa là làm việc lâu năm để đóng góp cho công ty, có tâm huyết với công ty. Tuy nhiên, mình cũng ủng hộ mọi người làm những gì các bạn thích. Nếu công việc ở công ty không thỏa mãn bạn thì bạn nên suy nghĩ đến một hướng đi mới.

Câu hỏi 4: Em đang làm kế toán tài chính cho một công ty Mỹ, theo chị sẽ gặp phải những khó khăn gì khi chuyển sang một công ty Nhật?

Trả lời: Đối với việc tuyển dụng của các công ty Nhật, họ muốn tuyển những người yêu thích công việc. Làm việc ở công ty Nhật cần phải rất khéo léo để phát triển. Những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ Nhật nên công việc tài chính không chuyên sâu mà chủ yếu là công việc kế toán. Khi vào làm ở doanh nghiệp Nhật cũng khó có thể thay đổi cách làm của công ty mà mình phải hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp Nhật.

Câu hỏi 5: Đóng vai trò là người đang làm ở doanh nghiệp Nhật đến tìm một cơ hội ở một doanh nghiệp khác, chị có lời khuyên nào cho việc này?

Trả lời: Theo mình nếu nháy từ công ty Nhật này sang công ty Nhật khác thì như nhau, còn nếu anh muốn thử một môi trường khác hẳn thì nên thử công ty Âu Mỹ. Doanh nghiệp Nhật khuyển khích các bạn gắn bó lâu dài và từ từ phát triển, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy không hài lòng thì cũng nên tìm cơ hội cho mình. Bạn cũng có thể thử ở một vài vị trí khác nhau để thực sự biết là mình muốn gì. Chuyện chuyển việc không hoàn toàn là việc tiêu cực mà hãy nhìn nhận nó đúng với góc độ của nó.