SYMPOSIUM
Lê Quốc Duy
Tốt nghiệp đại học Shinshu, Nhật Bản. Năm 2007 gia nhập Công ty TNHH I-GLOCAL. Năm 2010 tham gia Công ty TNHH Tư vấn Khai Minh (Công ty liên kết với I-GLOCAL) trên cương vị Partner. Năm 2013 trở thành Giám đốc của Công ty TNHH I-GLOCAL.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN (Lần 4)

Time: 2013-11-09 09:00:00
Location: Phòng Hội nghị Tập đoàn tư vấn I-Glocal, Tầng 14, Tòa nhà Maritime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM


Đến hẹn lại lên, thứ bảy ngày 9/11/2013 vừa rồi, HRnavi một lần nữa đem đến cho mọi người cơ hội được gặp gỡ các đàn anh – đàn chị thành đạt trong khối Nhật. Với mong muốn tìm kiếm đáp án cho câu hỏi “Làm thế nào để thực sự thành công trong doanh nghiệp Nhật?”, rất đông các anh chị đang công tác trong khối Nhật và các bạn sinh viên đã đến tham dự.
Nguyễn Đình Phúc
Tốt nghiệp Thạc Sĩ Trường Đại Học Kyoto (Nhật Bản). Sau 10 năm học tập và công tác tại Nhật, năm 2006 về Việt Nam công tác tại công ty tư vấn SCS (Việt Nam) Co., Ltd (tiền thân của I-GLOCAL) trên cương vị trưởng đại diện Chi Nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, điều hành công ty tư vấn tuyển dụng iGlocal Resource với thương hiệu HRnavi.

Đến hẹn lại lên, thứ bảy ngày 9/11/2013 vừa rồi, HRnavi một lần nữa đem đến cho mọi người cơ hội được gặp gỡ các đàn anh – đàn chị thành đạt trong khối Nhật. Với mong muốn tìm kiếm đáp án cho câu hỏi “Làm thế nào để thực sự thành công trong doanh nghiệp Nhật?”, rất đông các anh chị đang công tác trong khối Nhật và các bạn sinh viên đã đến tham dự.

Diễn giả của buổi chuyên đề là anh Lê Quốc Duy - Giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL. Giống như tất cả mọi người, thành công của anh không phải chỉ dang tay ra là nắm bắt được. Đó là cả quá trình trải dài đầy gian nan và cũng chưa hẳn đã kết thúc. Qua những câu chuyện về chính bản thân, về cách anh vượt qua khó khăn, anh muốn gửi đến mọi người những định nghĩa thành công 100% đậm chất “Lê Quốc Duy”.

Từ một xuất phát điểm bình thường, anh có cơ hội sang Nhật. Trong suốt hai năm đầu, mặc cho mưa hay tuyết, anh vất vả với công việc mà không mấy ai xem trọng – giao báo. Đồng thời trong quãng thời gian này anh học tiếng Nhật và thi vào đại học Shinshu. Anh kể, chỉ bị thử thách chừng một tuần là anh đã muốn bỏ cuộc. Với giọng điệu hóm hỉnh nhưng chân thành, anh mô tả một tên con trai độ tuổi 20 không kiềm nổi cảm xúc, bật khóc trước giáo viên và thể hiện mong muốn về Việt Nam. “Đừng bao giờ quên đi mục tiêu ban đầu”. Đó là đáp trả anh nhận được. Chắc hẳn câu nói này không những đánh thức anh Duy thời điểm mười mấy năm về trước, mà còn cả các bạn trẻ đang lắng nghe anh nói. Nhờ vào lời khuyên của cô giáo, anh Duy đã có thêm động lực để tiếp tục cố gắng mà vượt qua bài tập “kiên trì” cuộc sống gửi đến.

Sau bốn năm học tập tại đại học Shinshu, anh Duy xin được việc trong một công ty sản xuất. Những tưởng sẽ được ngồi bàn giấy làm những công việc thật lớn lao và khẳng định năng lực của bản thân, nhưng một lần nữa anh lại bị khảo nghiệm. Nội dung lần này cũng không được đổi mới, lại tiếp tục là tính kiên trì và sự chịu đựng. Trong suốt ba tháng đầu, anh được cử đến một nhà máy ở tỉnh xa, và phải làm ca đêm liên tục. Anh tâm sự nếu không có giai đoạn giao báo thức khuya dậy sớm khi xưa thì anh chắc không qua nổi. Sáu tháng tiếp theo là lúc anh “luyện” để trở nên người tiếp điện thoại và scan bản vẽ chuyên nghiệp. Anh nói lắm lúc cũng muốn bỏ cuộc, vì những gì mình được học thì không được làm, luẩn quẩn với những chuyện bình thường như thế này thì đến khi nào mới giỏi được. Tuy nhiên, “mọi khoảnh khắc đều là sự lựa chọn”, và anh đã lựa chọn “nhẫn” tới cùng.

Hơn thế nữa, anh còn biết khám phá, học hỏi từ những điều tẻ nhạt nhất. Nếu như trước đây, anh vừa giao phát báo vừa học cách nhận biết chữ kanji, thì lúc bấy giờ anh vừa scan bản vẽ vữa tìm hiểu chi tiết kỹ thuật của các loại linh kiện. Sự tìm tòi học hiểu đem đến cho anh cơ duyên để được trò chuyện, và sau đó là nhận được hướng dẫn của những chuyên viên kỹ thuật trong công ty.

Anh còn chia sẻ với mọi người cách tạo ấn tượng và có được niềm tin từ người Nhật. Bản chất người Nhật luôn có một tầng khoảng cách khi họ tiếp xúc với người lạ, người nước ngoài. Chờ đợi họ tự phá vỡ nó và thân thiện với chúng ta là điều không khả thi. Chính vì vậy mà ta nên tích cực, chủ động học hỏi từ họ, dần dần họ sẽ chỉ dạy cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá.

Theo anh Duy, người Nhật còn đặc biệt xem trọng sự chân thành và tinh thần cầu tiến. Lấy ví dụ, thay vì thể hiện cái tôi quá lớn trong các buổi phỏng vấn xin việc, chúng ta nên khiêm tốn bày tỏ và thể hiện mình sẵn sàng học thêm những điều mới để cải thiện cách làm việc, hiệu suất công việc. Những người như vậy rất dễ tạo được thiện cảm với các sếp người Nhật và có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

Cuối cùng, anh Duy cho chúng ta một công thức “làm tốt công việc được giao + làm thêm một chút công việc khác = sự quan tâm và đánh giá cao của lãnh đạo”. Sự lăn xả và tinh thần phục vụ luôn là điều cấp trên muốn tìm kiếm ở nhân viên của mình. Do đó, đừng giữ trong đầu sự dễ dãi, đừng vừa mong muốn công việc nhẹ nhàng vừa chờ đợi sự thăng tiến, vì nó sẽ không bao giờ đi đôi với nhau.

Phần trình bày của anh Duy sôi nổi, thú vị, khiến cho mọi người tham dự đều bị cuốn hút. Nhưng bên dưới bề nổi ấy, anh là một người có suy nghĩ sâu sắc và tinh thần vượt khó đáng khâm phục. Có thể nói anh là một diễn giả không chuyên, nhưng là một người truyền cảm hứng đầy tài ba. Anh dạy cho chúng ta sự kiên trì tạo ra sức mạnh, cảm tính thì không bao giờ tốt và nếu chịu khó đào sâu mọi công việc đều có thứ để ta học hỏi. Mong rằng các anh chị và các bạn đã đến tham dự có thể áp dụng những thông điệp trên vào cuộc sống và tìm thấy thành công của riêng mình.

HRnavi

Kết thúc phần trình bày của anh Duy là mục hỏi – đáp. Có rất nhiều anh chị đã tận dụng cơ hội này để hỏi sâu thêm về một số vấn đề còn đang khúc mắc. Cùng với sự hỗ trợ của anh Phúc, anh Duy đã đưa ra những câu trả lời thỏa đáng cho mọi người.

 1.  Biết là nhẫn nại chịu đựng sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh và nhiều cơ hội hướng đến thành công. Nhưng con người ai cũng có giới hạn, nếu đã phấn đấu quá lâu mà vẫn không thấy đường hướng phát triển thì nên làm thế nào?

Anh Duy cho rằng việc lăn xả, miệt mài là trường hợp dành cho các bạn ở tuổi đôi mươi. Khi ấy các bạn còn thời gian và nhiệt huyết, nếu các bạn nỗ lực và kiên trì đến cùng thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên câu chuyện không còn được nhìn cùng một quan điểm nữa nếu các bạn đã quá ba mươi. Thời điểm này nếu bạn còn chưa được cất nhắc, chưa thực sự có thành tựu trong công việc thì phải tự đánh giá bản thân xem mình có thực sự nổi bật không, có cống hiến nhiều cho công ty không. Nếu câu trả lời là có, và việc các bạn bị lu mờ là do sự nhập nhằng hay do luật bất thành văn “sống lâu lên lão làng”, thì hãy chứng tỏ cho mọi người biết mình đã đóng góp được gì cho công ty. Trong thời điểm hiện tại, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật đã hội nhập và học tập nhiều thứ từ các nước khác trên thế giới. Một điều quan trọng họ công nhận chính là “chủ nghĩa năng lực”. Vì vậy, nếu các bạn, các anh chị thực sự xuất sắc thì đừng ngại chứng tỏ bản thân.

 2.   Khác biệt đặc trưng về văn hóa ứng xử của người Việt Nam và người Nhật là gì?

Một số người Việt có khuynh hướng thích đánh bóng những thành tựu của bản thân, trong khi lại thích viện lý do cho những sai lầm. Theo anh Duy, đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng. Người Nhật vốn đề cao sự chân thành, họ không thích những người quá tự mãn về bản thân. Còn trong trường hợp sai phạm hay thất bại, họ chỉ giản đơn chờ đợi một lời xin lỗi, nhưng người Việt mình thì thích đổ cho hoàn cảnh.

 3.  Cách người Nhật đánh giá sự đóng góp và thưởng cho nhân viên?

Người Nhật thường đánh giá theo hai tiêu chuẩn: định lượng và định tính. Về định lượng, là đánh giá các ghi chép về giờ giấc, số ngày nghỉ, năng suất hay doanh thu nhân viên tạo ra. Còn định tính thì thiên về thái độ và tinh thần làm việc.

Người Nhật còn đặc trưng ở chỗ họ không chỉ xem xét kết quả mà luôn đánh giá cả quá trình làm việc, đồng thời luôn nêu cao tinh thần tập thể. Vì vậy ít có trường hợp các cá nhân được khen thưởng riêng lẻ, trừ trường hợp công ty đang có chương trình khuyến khích cải thiện sản xuất,…

4.   Những người Việt được đánh giá cao và giữ vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam thường có những phẩm chất gì?

Anh Duy cho biết hiện có khoảng 1600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên số người Việt giữ vai trò lãnh đạo thì không quá 20. Những người này đều giống nhau ở các điểm: Từng đi du học tại Nhật; Có nhiều đặc điểm giống người Nhật; Vô cùng mạnh mẽ.

Anh còn chỉ ra khi khả năng của từng cá nhân phù hợp với nhu cầu của công ty, họ đã có một cơ hội phát triển. Nhưng khi chúng ta vừa có khả năng, vừa có nhiệt huyết, biết chia sẻ và hướng đến mục tiêu chung của công ty thì cơ hội sẽ càng nhiều gấp bội. Vì vậy, anh đã kết thúc câu hỏi này, cũng như kết thúc buổi chuyên đề bằng lời khẳng định “Cứ yêu đi, rồi họ sẽ cho bạn cơ hội cống hiến, và rồi bạn sẽ thành công”.

 

Chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 4 đã kết thúc thành công tốt đẹp. HRnavi chân thành cảm ơn anh Duy đã đem đến cho mọi người một buổi trò chuyện thoải mái và để lại nhiều giá trị đáng trân trọng.

Chuyên đề Lần 5 sẽ được thực hiện vào ngày 18/1/2014 với nhiều chia sẻ thú vị hơn. Mong các anh chị sẽ tiếp tục quan tâm và nhiệt tình tham dự.

HRnavi