Như tiêu đề - câu slogan mà đại đa số chúng ta đã nghe qua từ cái thời học tiểu học, trong bài này người viết muốn chia sẻ câu chuyện về sự học của Headhunter, nghề trao cho người ta cơ hội học hỏi.
Như tôi đã chia sẻ trong kỳ đầu, yếu tố không thể thiếu để “Be the best trong ngành ai chẳng làm được” là kiên trì học hỏi kiến thức.
Sự học với một Headhunter có thể chia làm các mảng chính:
Kỹ năng chuyên môn:
Nhân sự khi đã ở vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp là những người có chuyên môn rất tốt trong lĩnh vực họ theo đuổi, với công việc ổn định cùng mức thu nhập khá cao. Vì thế, việc thuyết phục họ thay đổi việc làm không hề dễ dàng. Đặc biệt, không phải lúc nào khách hàng cũng sẵn sàng bỏ ra mức lương "khủng" để tuyển dụng.
Đây là lúc headhunter phải dùng khả năng và những kỹ năng chuyên môn trong nghề như đàm phán, khai thác thông tin, nắm bắt tâm lý… để thuyết phục ứng viên. Cần phải tìm hiểu mong muốn thật sự của ứng viên là gì ngoài mức lương cao. Đó có thể là môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ hội học hỏi hay phát triển kỹ năng…
Kiến thức về thị trường, ngành nghề của khách hàng:
Với công việc “làm dâu trăm họ”, phải tiếp xúc, hỗ trợ cho các ngành nghề, vị trí công việc khác nhau, các headhunter phải “học” khá nhiều về công việc đó. Nắm được những kiến thức này, thứ nhất headhunter mới đủ khả năng để chọn ra những người phù hợp nhất với yêu cầu tuyển dụng thông qua bước lọc CV, thứ hai là có thể đánh giá độ phù hợp thông qua trao đổi khi phỏng vấn nội bộ (buổi trao đổi với ứng viên trước khi giới thiệu đến khách hàng).
Trường hợp trên là đối với riêng vị trí tuyển dụng, đối với những headhunter chuyên về những ngành nhất định như IT, Manufacturing, Finance & Banking... thì việc học hỏi kiến thức chung của toàn ngành còn quan trọng hơn nữa. Việc hiểu biết kiến thức ngành như tình hình lao động, dao động lương trung bình của các vị trí trong ngành, điểm khó/dễ trong việc tuyển dụng của ngành, phân khúc các công ty trong ngành và mối quan hệ giữa các công ty… ở mức độ nhất định sẽ giúp bạn có được sự tin tưởng khi làm việc với đại diện khách hàng thường là trưởng phòng nhân sự hoặc sếp lớn của bộ phận cần tuyển dụng.
Chia sẻ một chút về kinh nghiệm của người viết, từ khi trở thành Chuyên viên tuyển dụng nhân sự khối sản xuất, cụ thể hơn là ngành Dệt may/Da giày, tôi từng phải toát mồ hôi để phân biệt các chức vụ trong nhà máy như QA/QC, Manufacturing Supevisor, Production Supervisor, Process Engineer, IE Engineer… Sau đó là đến tìm hiểu thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực như thế nào, tính chất của ngành cũng như một số “thuật ngữ” liên quan như có những công ty nào lớn trong ngành, nguyên phụ liệu thường được sản xuất tại đâu, chịu ảnh hưởng của công nghiệp 4.0 như thế nào, những vấn đề gì của ngành thường được dư luận quan tâm…
Đơn cử như một vị trí tôi đã hỗ trợ thành công đó là Facility Manager cho một nhà máy mới. Vì là lần đầu tiên tôi tìm kiếm ứng viên cho vị trí này, tôi bắt đầu bằng việc “tầm sư học đạo”, từ tìm đọc CV, hỏi thăm các ứng viên cũ, “thỉnh giáo” các anh chị đi trước trong công ty để biết vị trí này làm công việc gì, phải quản lý đội ngũ gồm những ai, thường sẽ báo cáo cho ai, ứng viên học ngành nào ra thì phù hợp… Sau khoảng ba ngày hỏi thăm tìm hiểu, tôi, thời điểm ấy là tư vấn viên mới hơn năm kinh nghiệm cuối cùng cũng đã có tự tin phần nào để liên lạc trao đổi cũng như phỏng vấn với các ứng viên tiềm năng. Và may mắn cũng đã mỉm cười, tôi đã gặp được một ứng viên hội đủ hầu như các điều kiện cần thiết, anh còn rất tốt bụng diễn giải cho tôi kỹ hơn về những cách quản lý công việc và chia sẻ những khó khăn thường gặp ở vị trí này để, theo như lời anh nói “lần sau có làm vị trí này em sẽ không phải lo nữa”. Sau những lần gọi hỏi thăm công việc và “cầu cứu”, nhờ anh chia sẻ những vấn đề kỹ thuật khi tuyển dụng, tôi cũng dần vững vàng hơn.
Nắm bắt những công nghệ mới:
"Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt", cũng như các ngành khác, ngành tuyển dụng cũng đang thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên 4.0. Đồng thời, đòi hỏi những người làm công tác tuyển dụng phải luôn theo dõi, cập nhật những thông tin, xu hướng và công nghệ tuyển dụng mới nhất.
Trước đây, headhunter chỉ dựa vào các mối quan hệ để tiếp cận ứng viên, hoặc sàng lọc hồ sơ từ dữ liệu có sẵn. Hiện nay, bên cạnh các kênh tuyển dụng trực tuyến hay mạng xã hội, những nền tảng chia sẻ, quản lý, phân tích dữ liệu ứng viên đang giúp những người làm tuyển dụng có cái nhìn toàn cảnh về thị trường và có được cơ sở vững chắc để tiếp cận ứng viên phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng công việc.
Tôi tin rằng dù chúng ta làm ngành nào, nghề nào, đang ở vị trí nào thì vẫn luôn cần học hỏi để không bị bỏ lại phía sau. Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ để công việc càng thuận lợi hơn anh/chị nhé.