HRnavi JSC
Join Us
List
  • VYSA
  • HRnavi
  • Career
  • Tin tức chung
  • Kỹ năng người tìm việc
  • Hoạt động truyền thông
  • Đào tạo
2013-03-28 13:13:26

Tìm việc ở VN đơn giản hơn ở Nhật?

Nguyen Ngoc Huong Thao

Ở Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 12, mùa 就職 (xin việc) lại bắt đầu nhộn nhịp với “nhà nhà kiếm việc, người người mặc vest” và khiến SV mất không ít công sức với việc viết entry sheet, CV, tham dự thuyết trình về công ty. Phải chăng ở VN xin việc sẽ đẽ dàng hơn khi có sẵn các công ty tư vấn tuyển dụng sẵn sàng trợ giúp bạn đến tận răng?

Đến mùa tuyển dụng, bất kì SV nào tại Nhật cũng vất vả hàng chục entry sheet và CV khác nhau cho từng công ty để tìm được công việc phù hợp với mình. Vì thế, nhiều du học sinh (DHS) Việt Nam quyết định về nước tìm việc vì lý do khá đơn giản: ở VN đã có headhunt (tư vấn tuyển dụng), sẵn sàng giúp mình tìm việc mà chẳng cần phải tốn sức như ở Nhật.

Điều này xuất phát từ sự khác nhau của cách tiếp xúc nguồn thông tin xin việc ở Nhật và Việt Nam. Ở Nhật, các trang web như NJapan, Myナビ,リクナビlà cầu nối giữa SV tìm việc và doanh nghiệp tuyển dụng, nhưng chức năng chính chỉ đơn thuần là phương tiện để SV tự tìm thông tin về công ty, lịch trình các buổi giới thiệu về công ty (説明会), nơi nộp Entry Sheet (phiếu đăng kí ứng tuyển). Việc tham dự buổi giới thiệu công ty hay phỏng vấn đòi hỏi SV phải tự thân vận động, tự liên lạc với bộ phận tuyển dụng của công ty bằng email hay điện thoại. Điều này rất mất thời gian và tốn tiền bạc khi phải di chuyển nhiều địa điểm khác nhau trên nước Nhật. Trong khi đó, ở VN, bạn chỉ cần đưa CV lên các trang Vietnamwork (được biết đến rộng rãi), HRnavi (mạnh khối doanh nghiệp Nhật), tư vấn viên sẽ chủ động liên lạc, giúp bạn làm CV mẫu, gửi CV đến nhà tuyển dụng, sắp lịch phỏng vấn dùm bạn và bạn chỉ có việc đi phỏng vấn. Tuy nhiên, sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian này lại có bất lợi của nó.

Thứ nhất, bạn sẽ bị động trong việc tìm kiếm thông tin về công ty để nắm được ngành nghề bạn sẽ làm, quy mô công ty, hướng phát triển trong tương lai. Bạn phó mặc việc tìm hiểu này cho tư vấn viên, chỉ việc nghe thông tin giới thiệu từ headhunt, hiểu đại khái, không tự tìm hiểu thêm, rồi cứ thế mà đi phỏng vấn. Khi đối diện với nhà tuyển dụng, bạn dễ dàng “ngã ngựa” khi người phỏng vấn chỉ cần hỏi 1 câu: Anh/chị biết gì về ngành mà công ty chúng tôi đang kinh doanh?

Thứ hai, sự vất vả của việc phải tự tìm thông tin nhà tuyển dụng trong quá trình tìm việc ở Nhật có giá trị riêng của nó. Khi bạn tự tìm tòi thông tin nhiều công ty khác nhau, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về tình hình phát triển kinh doanh và vị trí của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc gia, cảm nhận của nhân viên về công ty. Ở VN, bạn lại giao phó nhiệm vụ mà lẽ ra bạn nên làm cho tư vấn viên, bạn chỉ biết công ty mà bạn được mời phỏng vấn thông qua headhunt, không đào sâu để biết đối thủ của công ty đó là ai, sức cạnh tranh trên thương trường của doanh nghiệp ra sao, đến khi được nhận vào làm, bạn sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc khi không “biết người biết ta”.

Thứ ba, DHS là những người mới ra trường, đa số chỉ có lợi thế về ngoại ngữ và thường sẽ chủ quan vào lợi thế này. Nếu ở Nhật, bạn sẽ phải vất vả viết 自己PR (tự giới thiệu) và 志望動機 (động cơ xin việc) để tạo thế cạnh tranh với hang trăm ứng cử viên khác. Không phải cứ nói thông thạo tiếng Nhật là có thể tự tin bách chiến bách thắng, bạn phải đầu tư vào phần giới thiệu bản thân thật tốt và nổi bật tạo nên sự khác biệt khiến nhà tuyển dụng phải chọn bạn mà không phải là ai khác. Ở VN, yếu tố này bị phớt lờ khi DHS chỉ vin vào lợi thế giỏi ngoại ngữ mà không biết rằng vẫn có nhiều ứng viên khác trình độ tiếng Nhật tương đương, thậm chí còn nhỉnh hơn khi có vài năm kinh nghiệm đi làm.

Tóm lại, tìm việc ở VN sẽ dễ dàng hơn khi chỉ cần bạn sử dụng vài phần công sức so với khi tìm việc ở Nhật. Headhunt chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian tiếp cận nhà tuyển dụng, bạn nên tự than vận động:

-          Tìm hiểu thông tin về công ty sắp đi phỏng vấn. Bạn giỏi tiếng Nhật thì đương nhiên việc tìm thông tin từ homepage của công ty, lấy số liệu, đọc và hiểu sự phát triển của công ty qua các mốc thời gian, từ đó ít nhiều sẽ hình dung được sự phát triển của chi nhánh tại VN.

-          Chuẩn bị trước câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng, thông qua thông tin đã tìm hiểu, chứng tỏ sự quan tâm đến công ty chứ không đơn thuần là chế độ ưu đãi, mức lương hay trợ cấp. Bạn chỉ có thể nghĩ ra câu hỏi khi bạn thực sự tìm hiểu kĩ càng.

-          Chuẩn bị trước phần lý do xin việc, kĩ năng của bản thân. Nếu không có kinh nghiệm làm việc thực tế, hãy tư duy từ những gì bạn học được từ việc làm thêm, tham gia phong trào, hội nhóm, thành tích đặc biệt để làm nổi bật mình. Đây là cơ hội cho bạn trong khi các nhà tuyển dụng  Nhật có vẻ chọn người khá cảm tính trước khi xét đến kinh nghiệm. Bạn vẫn có thể đánh bật ứng viên nội địa bằng sự chuẩn bị tốt khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng, tạo niềm tin với nhà tuyển dụng có giá trị hơn việc chỉ nói rành tiếng Nhật mà lại mờ nhạt.

Xin việc ở VN có thể sẽ không vất vả như ở Nhật, nhưng để thành công, bạn cũng phải tìm hiểu thật sự, tận dụng hết tất cả các cơ hội mà các nhà tư vấn tuyển dụng mang lại.