Time: 2013-09-21 09:00:00
Location: Phòng Hội nghị Tập đoàn tư vấn I-Glocal, Tầng 14, Tòa nhà Maritime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM
Thứ bảy 21/9 vừa qua, dù thời tiết không được thuận lợi, có hơn 40 anh chị và các bạn tham dự chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 3 do HRnavi thực hiện.
Chị Huỳnh Thị Thanh Triều – Tổng giám đốc Công ty TNHH Cybozu Việt Nam, đã đến phát biểu và chia sẻ với tư cách diễn giả. Đạt được thành tựu ở tuổi đời khá trẻ, chắc hẳn chị có những bí quyết riêng để nâng cao và khẳng định năng lực của bản thân. Chị đã nhiệt tình chia sẻ bí quyết ấy với các bạn tham gia chuyên đề.
Đi từ góc nhìn văn hóa, chị Triều giới thiệu đến mọi người những giá trị mà doanh nghiệp Nhật coi trọng ở nhân viên như:
- Tính trật tự
- Tính kỷ luật
- Sự trung thành
- Sự hoàn hảo
- Sự tôn trọng
- Nền tảng cơ bản
Tính trật tự, kỷ luật cùng sự tôn trọng, trung thành thể hiện nhiều ở văn hóa Nhật, từ những điều rất gần gũi như cách sắp xếp món ăn, cách trưng bày vào các dịp lễ hội, hoặc qua các môn võ Nhật như karate, sumo và tinh thần võ sĩ đạo.
Sự hoàn hảo được bộc lộ qua sản phẩm của người Nhật. Hiện nay, dù Hàn Quốc đang được biết đến với những thương hiệu toàn cầu trong ngành điện tử, điện máy, nhưng trong tiềm thức của người tiêu dùng, sản phẩm “Made in Japan” vẫn luôn dẫn đầu về chất lượng. Sự cẩn thận đến từng chi tiết đã tạo nên ấn tượng tốt trên thương trường thế giới nhiều thập kỷ nay. Điều này càng khẳng định sự hoàn hảo của người Nhật.
Đặc biệt hơn là yếu tố “Nền tảng cơ bản”. Người Nhật coi trọng kiến thức nền tảng của mỗi cá nhân, họ cho rằng yếu tố này quyết định khả năng tiếp thu cái mới. Khi người Nhật đánh giá ứng viên, họ luôn đề cao triển vọng tương lai của người có nền tảng vững chắc. Một ví dụ dễ hiểu là trong các công ty Nhật, nhân viên thường kiêm nhiệm chức vụ ở nhiều phòng ban, hoặc thuyên chuyển giữa các bộ phận khác nhau dù không thuộc chuyên môn để tìm ra công việc phù hợp nhất với nền tảng họ đã có.
Để thành công ở các công ty Nhật, chúng ta phải thể hiện được những giá trị đang được tìm kiếm, thông qua phong cách/tác phong cũng như kỹ năng làm việc.
a. Về phong cách bạn cần phải:
- Cần cù, chịu khó
- Tự giác, ý thức
- Gắn bó lâu dài
- + α
- Cải thiện
- Để ý chi tiết
Nếu tinh thần tự giác, ý thức thể hiện sự tôn trọng; gắn bó lâu dài thể hiện sự trung thành; thì sự cần cù, chú trọng chi tiết và không tự bằng lòng với chính mình là công cụ hướng chúng ta đến sự hoàn hảo.
Cho ví dụ, khi được giao cho bạn công việc A, đừng nghĩ rằng chỉ làm đến mức A là có thể làm hài lòng cấp trên. Hãy hoàn thành đến mức A + α, khi đó họ sẽ nhận thấy và đánh giá cao sự nỗ lực và khả năng của bạn. Cũng như thế, trong lần kế tiếp, đừng dừng lại ở A + α, mà hãy phấn đấu tới A + α + β. Để rèn luyện tinh thần làm việc đó, bạn phải thực sự cố gắng, nhưng kết quả bạn gặt hái được là sự tín nhiệm, sự đề bạt, cũng như nhận thấy được tiềm năng không giới hạn của chính mình. Đó chẳng phải là những nguyên liệu để làm nên thành công sao?
b. Về kỹ năng bạn cần phải:
- Nâng cao kiến thức theo môn hình chữ t
- Tinh thần tìm tòi
- Tăng cường giao tiếp
- Khả năng thuyết phục
- Khả năng duy trì
- Sự tận tâm
- Sự đúng giờ
Điểm trên cùng của chữ t chính là chuyên môn. Trau dồi khả năng chuyên môn luôn là ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến là kiến thức về excel. Theo chị Triều, người Nhật thích sử dụng và sử dụng tốt excel, họ dường như triệt để tận dụng các chức năng của chương trình này để áp dụng làm báo cáo, bảng biểu, lưu trữ, v.v.. Song song đó, những người làm việc trong doanh nghiệp Nhật cần liên tục cải thiện khả năng ngoại ngữ nhằm tăng tính tin cậy và hiệu quả. Điểm cuối của chữ t là thường thức, tức là yêu cầu về kiến thức cơ bản của mỗi cá nhân.
Trong các công ty Nhật, nhân viên được kêu gọi rèn luyện tinh thần tìm tòi và khả năng phát hiện vấn đề. Qua đó, những rủi ro tiềm ẩn, những lỗi còn bỏ sót sẽ được cải thiện và theo đó chất lượng sản phẩm/dịch vụ của công ty sẽ tăng lên.
Phong cách doanh nghiệp Nhật còn nổi trội về khả năng làm việc đội nhóm, tinh thần tập thể cao, do đó, mỗi cá nhân đều cần tăng cường giao tiếp. Phải có sự trao đổi thường xuyên, biết lắng nghe để thu thập thông tin, biết đúc kết suy nghĩ của bản thân và thuyết phục mọi người thì mới giúp cho công việc chung vận hành trôi chảy.
Kỹ năng làm việc theo kế hoạch cũng được coi trọng. Khi được giao việc, bạn phải chủ động sắp xếp để hoàn thành đúng thời hạn. Trong trường hợp vấn đề quá khó giải quyết, cần thông báo và giải thích nguyên nhân cho cấp trên trước khi quá muộn, tránh để phát hiện trễ nãi, tạo lại ấn tượng thiếu chuyên nghiệp.
Một đặc điểm khác của công ty Nhật mà chúng ta cần quan tâm là việc đánh giá cao sự tận tâm, cống hiến của nhân viên. Không chỉ là làm việc hết mình, nhân viên nên tham gia các buổi tiệc công ty, tăng thêm sự gắn kết và tin cậy trong nội bộ.
Cuối cùng, để có thể làm hết mình, chơi hết sức, khả năng duy trì là một yếu tố vô cùng quan trọng. cần phải cân bằng sức khỏe và tinh thần để có thể làm việc lâu dài, nhất là trong môi trường đòi hỏi nhiều cố gắng như các doanh nghiệp Nhật.
Trong vai trò diễn giả, chị Triều đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đem đến cho người tham dự nhiều điều mới lạ. Chị cũng rất gần gũi và thân thiện khi giao lưu cũng như khi trả lời câu hỏi. HRnavi xin cảm ơn chị đã góp phần to lớn cho sự thành công của chuyên đề, mong sẽ tiếp tục được hợp tác với chị trong tương lai.
Chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 3 đã kết thúc tốt đẹp, HRnavi rất vui vì có nhiều anh chị đã hỏi thông tin về chuyên đề lần tiếp theo. Đây thực sự là động lực giúp HRnavi có thể hoàn thiện hơn nữa nội dung và cách thức tổ chức. Hy vọng chúng tôi sẽ đem đến cho các anh chị và các bạn ngày càng nhiều những buổi chia sẻ ý nghĩa và bổ ích.
Xin chân thành cảm ơn.
HRnavi
Sau phần trình bày của chị Triều, chương trình được tiếp nối với mục hỏi đáp. Thông qua câu trả lời của chị Triều, mọi người có cơ hội cùng học hỏi, giao lưu, đúc kết nhiều bài học hữu ích.
1. Trong quá trình phấn đấu để đạt được thành công như bây giờ, chị nghĩ bản thân đã làm tốt được yếu tố nào trong những phần đã trình bày?
Giải đáp thắc mắc trên, chị Triều khẳng định mình luôn cố gắng hoàn thiện về tác phong và kỹ năng trong công việc. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chị đã và đang làm tốt là duy trì sự cân bằng. Để thực hiện điều đó, chị luôn cố gắng hài hòa giữa việc được giao, việc bản thân cần làm và việc có khả năng làm.
Khi thực hiện được điều đó, điều chị muốn làm và phải làm giao nhau, tạo thành động lực giúp chị giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chị cho rằng nên có ranh giới giữa công việc về gia đình. Khi ở công ty, nên tập trung làm việc, nhưng khi về nhà, đừng để tâm trí vướng bận trách nhiệm nơi công sở. Có như thế bạn mới tận dụng được thời gian một cách thông minh.
2. Khi cấp trên giao việc khó mà mình chắc chắn không hoàn thành tốt, phải phản ứng như thế nào?
Chị Quyên đến từ Công ty Okamura Tokyo cho rằng phản ứng khôn ngoan nhất là chấp nhận làm công việc trên. Bởi trong suy nghĩ của người Nhật, chưa làm mà đã vội kết luận không thể là một điều tối kỵ. Bạn có thể nhận làm, và làm sai, làm không kịp kỳ hạn, v.v.. nhưng qua đó bạn thể hiện được tinh thần dám làm và sẽ được đánh giá cao.
Chị Yến, với 13 năm kinh nghiệm làm việc trong khối Nhật, hiện là manager cho Công ty Value Create cũng đồng ý với quan điểm trên. Chị cho biết thêm, trong tư tưởng của các sếp Nhật, khi họ giao việc, thành quả không phải là việc đầu tiên mà họ đánh giá. Điều cấp trên muốn xem xét, là sự dám thử thách và nỗ lực của nhân viên. Việc càng khó thì chứng tỏ họ càng tin tưởng và kỳ vọng vào chúng ta. Vì vậy, hãy sẵn sàng nhận việc, trong quá trình làm, bạn có thể tự tìm cách giải quyết, hoặc báo cáo để có thêm sự hỗ trợ. Trong trường hợp xấu nhất là thất bại, bạn vẫn có được một bài học bổ ích.
3. Làm việc trực tiếp với người Nhật nhưng không thông thạo ngôn ngữ của họ thì phải làm sao?
Anh Hinh, Phó giám đốc Công ty Reeco đã nêu lên câu hỏi trên. Đây cũng là vấn đề đến từ thực tế công việc của anh. Với vị trí khá quan trọng, anh phải làm việc với các lãnh đạo cấp cao người Nhật, nhưng anh chỉ sử dụng tiếng Anh và cũng không có thời gian học thêm tiếng Nhật. Với sự giúp đỡ của mọi người, anh muốn tìm một cách làm việc dễ dàng, hiệu quả hơn trong trường hợp này.
Chị Yến cho rằng, tốt nhất anh vẫn nên học tiếng Nhật. Có thể bắt đầu bằng những từ vựng liên quan đến chuyên môn. Mỗi ngày kiên trì anh sẽ tích lũy được vốn từ vựng đáng kể, tuy không tốt như học tập bài bản, nhưng chắc chắn sẽ giảm bớt các rào cản ngôn ngữ, giúp anh dễ tìm thấy sự đồng cảm và tin tưởng của cấp trên.
Góp sức cho anh Hinh, chị Triều còn lưu ý anh nên lưu ý khi sử dụng thông dịch. Phải nói rõ ràng, ngắn gọn, súc tích để giảm bớt những sai lệch không đáng có trong quá trình bàn thảo, đàm phán.
Chị Triều và các anh chị tham gia chuyên đề đều rất nhiệt tình giúp giải quyết trăn trở của những người tham dự khác. Hy vọng mọi người đều có thể học tập từ những câu hỏi trên, để có thể thay đổi suy nghĩ và tinh thần làm việc cho phù hợp hơn, và ngày càng thành công trong cuộc sống.
HRnavi