- VYSA
- HRnavi
- Career
- Tin tức chung
- Kỹ năng người tìm việc
- Hoạt động truyền thông
- Đào tạo
Dễ lập doanh nghiệp, không dễ phát triển
Nguyen Dinh PhucCó rất nhiều bạn du học sinh vốn dĩ là thành phần ưu tú, ấp ủ những dự định kinh doanh, mong ước 1 ngày nào đó sẽ là chủ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp đó thật hoành tráng. Thực tế cho thấy có khá nhiều chủ doanh nghiệp như vậy. Nhưng lập doanh nghiệp không khó, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển được mới thật sự là vấn đề.
Doanh nghiệp được lập ra là để giải quyết một khó khăn, đáp ứng một nhu cầu gì đó của xã hội. Đối với cựu DHS du học tại Nhật, là người Việt Nam chúng ta có những lợi thế cạnh tranh như sau:
- Bản thân DHS là người được tuyển chọn, có năng lực tư duy tốt
- Học hỏi, trải nghiệm những mô hình kinh doanh tiên tiến
- Có (hoặc có tiềm năng xây dựng) mối quan hệ với doanh nghiệp Nhật
- Doanh nghiệp Nhật đang rất chú ý đến đầu tư vào Việt Nam
- Có lợi thế quản trị nhân lực Việt Nam
- Nhân công Việt Nam rẻ
- Có khả năng huy động vốn (so với những bạn không có điều kiện đi du học)
Song song đó, để thật sự thành công trong kinh doanh, cựu DHS du học tại Nhật phải vượt qua những khó khăn được đề cập dưới đây:
- Xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp Nhật cần nhiều thời gian, bản tính người Nhật tiếp nhận, ít phản hồi
- Vốn kinh doanh chưa thật dồi dào
- Môi trường kinh doanh tại Việt Nam lắt léo, kém minh bạch, chi phí thời gian cao
- Chính bản thân cựu DHS cũng “nhiễm” văn hóa “ngại” rủi ro từ người Nhật
- Bản thân cựu DHS đôi khi quá thông minh họ tìm ra quá nhiều rủi ro, đâm ra quá thận trọng, thiếu tính quyết đoán, triển khai thiếu tốc độ
- Thị trường Việt Nam nhỏ, khó khuếch trương
Điểm qua một số doanh nghiệp do cựu DHS Nhật Bản lập ra, đối với những doanh nghiệp phát triển tốt, hầu hết mọi người đã khắc phục những khó khăn và tận dụng tốt những lợi thế của mình ngược lại cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại.
<Mẫu hình thành công 1>
Lập doanh nghiệp ban đầu phục vụ một khách hàng Nhật Bản thân thiết. Thông qua đó xây dựng đội ngũ, xây dựng sự tin tưởng và danh tiếng của công ty. Dần dần người này giới thiệu người kia, công việc đến nhiều hơn, công ty ngày càng phát triển. Mô hình này thường thấy ở những công ty gia công phần mềm. Tuy nhiên hạn chế của mẫu hình này là phát triển dựa trên mối quan hệ (hầu hết tập trung vào cựu DHS) nên kém chủ động trong việc tìm kiếm đơn hàng. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ kinh doanh (sale) thì mẫu hình thành công này mới phát triển vươn lên tầm cao mới.
<Mô hình thành công 2>
Ngay từ đầu, xây dựng doanh nghiệp hướng đến khách hàng nội địa. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sớm phải giải những bài toán như đơn giá không cao (so với đơn giá đối với nước ngoài), phải xây dựng đội ngũ, bộ máy quản lý đông đảo, cần vốn đầu tư ban đầu cao. Mô hình này thường thấy ở công ty tổ chức các dịch vụ qua mạng Internet, công ty phân phối. So với mẫu hình 1 ở trên, mẫu hình 2 có quy mô lớn, chủ động trong công tác tìm kiếm khách hàng nhưng bù lại phải qua một ngưỡng nào đó mới thật sự có lợi nhuận.
Không có mẫu số chung cho lập nghiệp thành công, nhưng có thể nói thành công cần một quá trình phấn đấu lâu dài. Bạn sẽ không làm lâu dài được nếu không thật sự yêu thích cái bạn đang làm . Thêm vào đó nhiệt huyết của bạn cần được nuôi dưỡng bởi những thành tích đạt được trong công việc, nó không thể duy trì được lâu nếu bạn đâm đầu vào những mô hình quá khó, quá lâu để có kết quả. Hãy chọn cho mình lĩnh vực yêu thích, một mục tiêu khó vừa phải và tận hưởng con đường phải đi.